Các con đường lây nhiễm HIV và biện pháp dự phòng HIV

Tại Việt Nam mỗi năm có hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và 3.000 – 4.000 người tử vong do HIV. Đây được xem là con số đáng báo động và cần có biện pháp để ngăn ngừa. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các con đường lây nhiễm HIV và một số biện pháp dự phòng nhằm bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi căn bệnh nguy hiểm này nhé!

HIV là gì?

Có rất nhiều cách hiểu về HIV, tuy nhiên bạn có thể tham khảo thuật ngữ HIV và AIDS dưới đây:

  • HIV là loại virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người.
  • AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV và gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người.

Các con đường lây nhiễm HIV

Dưới đây là các con đường lây nhiễm HIV mà các bạn cần biết:

Qua đường máu

HIV có nhiều trong máu toàn phần cũng như các thành phần của máu như tiểu cầu, hồng cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do vậy, HIV có thể lây truyền qua máu và các chế phẩm của máu nhiễm HIV.

cac-con-duong-lay-nhiem-hiv-va-bien-phap-du-phong-hiv-1

Lây truyền HIV thông qua các dụng cụ xuyên chích qua da như ở các trường hợp sau:

  • Người không bị HIV dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV, đặc biệt là những người tiêm chích ma túy.
  • Dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, lưỡi dao cạo râu, xăm lông mày, lông mi,…với những người bị HIV.
  • Các dụng cụ phẫu thuật, khám chữa bệnh có xuyên cắt qua da nhưng không được khử trùng, dùng chung với người nhiễm HIV.
  • Khi người không nhiễm HIV bị chảy máu ở răng sử dụng bàn chải đánh răng có dính máu của người bị HIV cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.
  • HIV lây truyền khi người không nhiễm tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm.
  • Sử dụng các dụng cụ truyền máu, lấy máu hay ghép mô, tạng,…có dính máu của người nhiễm HIV không được tiệt trùng cho người khác cũng làm tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV.

Qua đường tình dục

Với những trường hợp quan hệ tình dục có xuất hiện các dịch thể như: máu, tiết dịch tình dục. Lúc này chúng sẽ lây truyền từ người nhiễm HIV sang cơ thể bạn tình không bị nhiễm. Chính vì thế nguy cơ người bạn tình bị nhiễm HIV là rất cao.

cac-con-duong-lay-nhiem-hiv-va-bien-phap-du-phong-hiv-2

Ngoài ra, khi người không bị HIV quan hệ tình dục theo các hình thức như: Dương vật – âm đạo, dương vật – miệng  và dương vật – hậu môn với người bị nhiễm HIV thì vấn đề lây nhiễm HIV là điều không thể bàn cãi.

Từ mẹ sang con

Khi mang thai, HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV sẽ qua rau thai để vào cơ thể của thai nhi. Khi sinh con, HIV từ nước ối, dịch tử cung hoặc dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh. Ngoài ra, khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục người mẹ mà dính vào cơ thể của trẻ sơ sinh.

Khi cho con bú, HIV có thể lây qua đường sữa hoặc các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi bé đang có tổn thương ở niêm mạc miệng.

Biện pháp dự phòng HIV

Tính đến thời điểm hiện tại, HIV vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy rất cần có các biện pháp dự phòng HIV để giúp giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm và biến chứng mà bệnh gây ra.

  • Truyền thông thay đổi hành vi

Thực hiện thông qua tư vấn cá nhân, phát tờ rơi, nói chuyện chuyên đề về nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp dự phòng. Lợi ích của việc thay đổi hành vi, của xét nghiệm HIV định kỳ và điều trị ARV sớm đồng thời xây dựng kỹ năng cho nhóm có nguy cơ cao để giúp họ có hành vi an toàn cũng như duy trì các hành vi bảo vệ.

  • Sử dụng thuốc kháng vi rút phơi nhiễm HIV (PrEP)

PrEP là một biện pháp dự phòng mới được sử dụng theo hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. PrEP có hiệu quả dự phòng nhiễm HIV đến 96-99% nếu tuân thủ điều trị.

cac-con-duong-lay-nhiem-hiv-va-bien-phap-du-phong-hiv-3

  • Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP)

PEP là dùng thuốc kháng virus HIV cho những người bị phơi nhiễm HIV. Điều trị sau phơi nhiễm HIV cần được tiến hành càng sớm càng tốt và không muộn hơn 72 giờ. Phơi nhiễm có thể xảy ra trong môi trường nghề nghiệp hoặc môi trường bên ngoài.

  • Dự phòng bệnh lao

Người nhiễm HIV thường rất dễ mắc lao, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong HIV. Đồng thời, HIV cũng làm gia tăng số người mắc lao, tăng tỷ lệ lao kháng thuốc và tăng tỷ lệ tử vong do lao. Chính vì vậy, mọi người mắc HIV đều phải dự phòng lao.

  • Tiêm chủng

Virus HIV sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng nên những người mắc HIV rất dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng theo hướng dẫn sẽ giúp dự phòng được các bệnh nhiễm trùng do HIV.

Lời kết

Dự phòng HIV là điều cần thiết để phòng tránh cũng và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV. Do đó, các bạn cần tự trau dồi thêm cho mình những kiến thức về việc này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *